Hòa cùng dòng người hành hương kính các Thánh Tử Đạo tại Ba Giồng (Mỹ Tho), đoàn hành hương chúng tôi lại xuôi về miền Tây sông nước men theo con được chợ Lách.


VỀ BÊN MẸ XỨ DỪA
Hòa cùng dòng người hành hương kính các Thánh Tử Đạo tại Ba Giồng (Mỹ Tho), đoàn hành hương chúng tôi lại xuôi về miền Tây sông nước men theo con được chợ Lách.
Qua khỏi tháp chuông cao sừng sững của nhà thờ Cái Mơn và Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn chúng tôi lại xuôi về với Cái Nhum và được biết Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum chính là “mẹ đẻ của Cái Mơn”. Cùng với dòng người hôm ấy, chúng tôi được may mắn đặt chân đến mảnh đất thiêng Cái Nhum.
Cái Nhum có nhiều cái rất đặc biệt và đặc biệt nhất có lẽ cái nôi của sứ mạng truyền giáo. Họ Cái Nhum được thiết lập vào năm 1731. Đây là một trong những Họ đạo thâm niên nhất ở miền nam Việt Nam. Và đặc biệt, nơi mảnh đất thiêng này đã nhuốm dòng máu tử đạo của hai Đấng đáng kính Luy Phan Văn Ngò sinh năm 1772 và tử đạo năm 1845. Đấng đáng kính Phêrô Nguyễn Văn Dinh sinh 1814, tử đạo năm 1844.
Tưởng chừng ngần ấy như đã nói lên sự hiện diện thiêng thánh của các thánh tử đạo, thế nhưng không, Cái Nhum còn đó sừng sững hình ảnh của Mẹ Xứ Dừa. Với lòng sùng kính hết sức đặc biệt dành cho Mẹ Maria và nhất là thao thức về hình ảnh người Mẹ đậm chất miền Nam chân chất, Cha Gioan đã dồn hết tâm trí, suy nghĩ và đã cố gắng hết sức để tôn tạo lên hình ảnh Mẹ Xứ Dừa như những tuyệt tác của những người chiêm niệm đã vẽ lên Mẹ Hằng Cứu Giúp theo phong cách vẽ icon.
Sau nhiều ngày tháng thao thức, Cha Gioan đã hoàn thành tác phẩm Mẹ Xứ Dừa đậm nét văn hóa của một người Mẹ miền Nam Việt Nam. Và cũng theo như tâm tình của Cha quản xứ Gioan Phạm Hữu Diện rất đơn sơ : “Mẹ Xứ Dừa như biểu tượng của một Mẹ Maria hiện diện trên vùng đất Bến Tre này.
Với niềm tin của Phật Giáo, Phật bà cầm trên tay mình bình cam lộ để tưới mát chúng sinh thì Mẹ Xứ Dừa luôn luôn đưa vòng tay che chở cho con cái của Mẹ và Mẹ Xứ Dừa như đang tưới dòng nước dừa mát lạnh cho những cổ họng khô héo vì cuộc đời lầm than bơ vơ vất vưởng”. Thật vậy, Mẹ Xứ Dừa của Cái Nhum rất đơn sơ trong tà áo dài Nước Việt đậm nét của văn hóa Việt Nam cùng với chiếc nón lá dân dã.
Tràng hạt Mân Côi trên tay Mẹ được đan kết bằng những quả dừa be bé xinh xinh. Tất cả những điều đó gợi lên hình ảnh của một người Mẹ giàu lòng thương xót đậm chất miền Nam Đất Việt.
Mẹ đứng sau phần mộ của hai Đấng Đáng Kính như nói lên rằng Mẹ vẫn mãi chở che cho con cái của Mẹ dù cuộc đời phải nổi trôi những thăng trầm giông tố. Tà áo của Mẹ vẫn bay trong gió dẫu rằng cuộc đời còn đó giải nắng dầm sương và trên tay tràng chuỗi Mân Côi như mời gọi con cái hãy siêng năng lần hạt.
Dòng người cứ tuôn đổ về Cái Nhum để tôn kính hai Đấng Đáng Kính cũng như chạy đến bên Mẹ Xứ Đừa để được ngụp lặn trong tình thương diệu hiền và da diết của Mẹ. Cũng trong tâm tình rất đơn sơ và chân thành, Cha Gioan chia sẻ rằng có nhiều người đến với Mẹ đã được nhiều ơn lành hồn xác và đặc biệt ơn đức tin, ơn trở lại và siêng năng chạy đến với Chúa và Mẹ hơn.
Chúng tôi thoáng đến bên Mẹ Xứ Dừa nhưng cũng không quên nhìn lên Mẹ với khuôn mặt từ ái xót thương. Chúng tôi lại trao vào tay Mẹ Xứ Dừa những khó khăn của cuộc đời để Mẹ cùng chung chia sẻ bớt.
Mẹ Xứ Dừa ở Cái Nhum là vậy đó ! Vẫn chân chất cung cách của người dân đồng bằng Nam Bộ và vẫn chân chất tấm lòng từ bi để bất cứ ai đến với Mẹ đều không phải trở về với tay không.
Lạy Mẹ Xứ Dừa : Xin nhậm lời chúng con thầm thĩ nguyện xin.
Nguồn tư liệu website Giáo Phận Vỉnh long